Bế mạc Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 2)
Cập nhật lúc: 01/07/2022 607
Cập nhật lúc: 01/07/2022 607
Sau 13 ngày diễn ra sôi nổi (17 - 30/6), Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 2) đã diễn ra vào tối 30/6 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk. Liên hoan do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức.
Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 2) thu hút sự tham gia của trên 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ đến từ 22 đơn vị nghệ thuật trong cả nước với gần 200 tiết mục ở đầy đủ thể loại: Hát, múa, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ, cải lương, ca kịch, chèo, tuồng.
Một tiết mục trình diễn trong Lễ Bế mạc
Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Liên hoan lần này có nhiều chương trình ca, múa, nhạc đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng, đặc biệt, những chương trình sáng tạo, mới mẻ từ dàn dựng, âm nhạc, phối khí, biên đạo, âm thanh, ánh sáng, màn hình Led, đến phong cách thể hiện…Bên cạnh đó, nhiều đơn vị nghệ thuật đã quan tâm thỏa đáng về vật chất và đầu tư về chuyên môn cho các chương trình có chất lượng tốt, cho thấy sự nỗ lực thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình hình mới của ngành nghệ thuật biểu diễn hiện nay. Tất cả sự kết hợp tổng thể của các yếu tố đã mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, hấp dẫn công chúng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu bế mạc
Thay mặt Hội đồng nghệ thuật, NSND, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài đánh giá, bên cạnh những tác phẩm bám chắc vào chất liệu bản sắc của từng vùng miền là những tác phẩm sử dụng ngôn ngữ đương đại một cách sáng tạo không rập khuôn cứng nhắc tạo nên một bức tranh đa sắc trong nền âm nhạc và múa Việt Nam. Hội đồng nghệ thuật cũng cho rằng, một số chương trình đã chạm vào cảm xúc người xem, đồng thời đạt độ chuẩn xác vươn tầm quốc tế. Tuy nhiên, cũng còn có những chương trình, vở diễn dễ dãi trong việc sử dụng hình ảnh tư liệu, lạm dụng hình ảnh gây hiệu ứng về thị giác, khâu biên tập bộc lộ sự chắp vá, phần đặt bài sáng tác mới cần được chú trọng để đạt được chất lượng phù hợp chủ đề chương trình.
Bế mạc Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao 3 giải Xuất sắc: Nhà hát Vũ kịch Việt Nam với vở Ballet “Hàm Lệ Minh Châu”; Nhà hát Giao hưởng - Nhạc Vũ kịch TP HCM vở Vũ kịch “Kiều”; Nhà hát Công an nhân dân vở Nhạc kịch “Người cầm lái”.
Ban Tổ chức trao 3 giải Xuất sắc cho 03 chương trình, vở diễn tham gia Liên hoan
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao 7 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng cho các chương trình, vở diễn; trao 45 Huy chương Vàng, 61 Huy chương Bạc và 18 Huy chương Đồng cho các tiết mục diễn viên; trao 7 giải thưởng dành cho những sáng tạo trong các tác phẩm và tiết mục tham gia Liên hoan. Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam trao giải cho những cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc.
Ban Tổ chức trao các Huy chương và Bằng chứng nhận tại Liên hoan
Ban Tổ chức trao các Huy chương và Bằng chứng nhận tại Liên hoan
Tại Liên hoan, Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk đã đạt Huy chương Vàng cho chương trình “Những bức tranh Bazan đỏ”; 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng cho các tiết mục, diễn viên; 2 giải do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam trao tặng cho cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc.
Liên hoan là sự kiện có ý nghĩa nhằm bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị nghệ thuật biểu diễn dân gian, dân tộc truyền thống đặc sắc của Việt Nam và tạo điều kiện để các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các nghệ sĩ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; tìm tòi, sáng tạo, hướng đến việc tìm kiếm, phát hiện những tài năng nghệ thuật mới./.
Tin, ảnh: Phương Liên
Hôm nay:
Hôm qua:
Trong tuần:
Tất cả: