Đoàn nghệ nhân Đắk Lắk tham gia Lễ hội thổ cẩm tại Đắk Nông
Cập nhật lúc: 08/12/2020 674
Cập nhật lúc: 08/12/2020 674
Đây là lần thứ hai tỉnh Đắk Nông tổ chức Lễ hội văn hóa thổ cẩm, sau lần đầu tổ chức thành công vào năm 2018. Lễ hội đã tạo được sức lan tỏa, hiệu ứng cao trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thông qua Lễ hội, thổ cẩm Việt Nam đã được quảng bá đến bạn bè quốc tế, thu hút được khách du lịch, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2 năm 2020 là sự tôn vinh những giá trị độc đáo và sức sống mạnh mẽ, trường tồn của không gian văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam.
Chuỗi sự kiện diễn ra tại Lễ hội gồm: Hội nghị giới thiệu, quảng bá hình ảnh, kêu gọi đầu tư du lịch; vòng bán kết và chung kết cuộc thi Miss Tourism Việt Nam 2020; trình diễn trang phục thổ cẩm; lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Tại lễ hội lần này, Đắk Lắk đã cùng 15 tỉnh, thành trong cả nước mang các loại thổ cẩm đặc trưng tới khoe sắc trên mảnh đất Đắk Nông. Gần 40 cán bộ, nghệ nhân Êđê của tỉnh Đắk Lắk tham gia 3 nội dung: 1.Thực nghiệm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam (02 nghệ nhân tham gia hoạt động thực nghiệm dệt thổ cẩm và giới thiệu cho du khách về các thao tác, kỹ năng thực hành tại chỗ về nghề truyền thống, nguyên vật liệu, quy trình sản xuất thổ cẩm của dân tộc Ê Đê); 2.Tham gia giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (với chương trình Hòa tấu chiêng K’Nah: Bài Drong tue; Lễ kết nghĩa Mẹ - Con; Kể K’han lời cổ; Chiêng K’nah, múa xoang, cùng du khách thưởng thức rượu cần); 3.Triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm (Giới thiệu một số hình ảnh, sản phẩm truyền thống của dân tộc Ê Đê; Trưng bày sản vật đặc trưng, hiện vật văn hóa của dân tộc Ê Đê; Thuyết minh một số hình ảnh, tài liệu giới thiệu về văn hóa, các điểm du lịch của tỉnh Đắk Lắk).
Các hoạt động của Lễ hội được tổ chức có chiều sâu, hấp dẫn và có ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Lễ hội cũng góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy hoa văn, trang phục truyền thống của mỗi dân tộc. Đây không chỉ là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên các dân tộc cả nước giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó mà còn là cầu nối để các nghệ nhân gặp gỡ với các nhà thiết kế trong và ngoài nước, đưa văn hóa thổ cẩm đến với đông đảo công chúng và bạn bè quốc tế.
Một số hình ảnh tại Lễ hội:
Tin ảnh: Thanh Ngân.
Hôm nay:
Hôm qua:
Trong tuần:
Tất cả: