ĐỘC ĐÁO ĐỘI CHIÊNG Ê ĐÊ BIH
Cập nhật lúc: 05/07/2017 1313
Cập nhật lúc: 05/07/2017 1313
Những người phụ nữ đánh chiêng jhô ở Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk được xem như là “báu vật sống” của người Êđê Bih sống lẫn khuất và âm thầm dọc theo dòng sông mẹ này. Khi nhớ suối, nhớ rừng, nhất là nhớ âm thanh thiêng liêng ấy, họ lặng lẽ tìm nhau để tấu lên những cung bậc tình cảm sâu lắng, tha thiết của lòng mình. Những lúc như thế, 6 người phụ nữ hiếm hoi kia tạo nên một dàn hợp xướng cuốn hút người nghe như thứ men say bởi những bàn tay đã già nua, nhưng còn đầy ma mị của họ. Ai may mắn được nghe đội chiêng mẹ bên dòng Krông Ana diễn tấu, dù chỉ một lần sẽ không thể nào quên.
Dàn chiêng nữ (hay còn gọi là dàn chiêng mẹ) ở đây không giống với đội cồng chiêng của những người đàn ông Tây Nguyên bản xứ vốn dũng mãnh, trầm hùng diễn tấu khi rộn ràng, khoáng đạt tựa như gió ngàn, thác đổ trong mùa lễ hội. Tiếng chiêng của những người phụ nữ ấy chỉ ngân lên sâu lắng trong không gian bình dị và đời thường gia đình trong Lễ thổi tai - đặt tên cho con, hay đơn giản chỉ để thông báo một điều - người phụ nữ đã hết thời kỳ sinh nở, hay chúc phúc…
“Tờng pòong- tờng pòong/ tờng prênh- tờng pòong…”, điệu chiêng hòa hợp, nhịp trống đánh làm nền khiến người nghe nhận ra cái độc đáo của dàn chiêng Jhô- Buôn Trấp. Khi diễn, trên tay mỗi người là một chiếc chiêng lớn bé khác nhau. Chiêng mẹ trong tay bà trưởng nhóm như bà H’Riu, năm chiếc chiêng con còn lại của 5 người phụ nữ hòa cùng một nhịp. Cứ như thế, 6 nghệ nhân và 6 chiếc chiêng chẳng ai giống ai về cái tuổi nhưng đồng điệu về cái hồn. Hồn của người, hồn của chiêng hòa quyện, thầm thì từ sâu lắng. Ngày nay, những bài chiêng cổ của người Êđê Bih bên dòng sông Krông Ana được ngân vang như bài “Drôk katuôi” trong dịp đón khách, bài “Wăk wei” trong lễ mừng lúa mới, hay “Hahớh” trong lễ hội cúng sức khỏe…
Âm thanh ấy đích thực là những “viên ngọc” được những người phụ nữ mộc mạc, chân quê bên dòng sông mẹ tiếp tục được trao truyền. Thế hệ con cháu như H’Dạo, H’Rút Êban và H’Wên Hmôk xinh đẹp, trẻ trung đang kế thừa và phát huy, sáng tạo. Ở độ tuổi trăng tròn 16-17, chỉ mới tập tành diễn tấu từ 3 đến 4 mùa rẫy, vậy mà các cô gái này có thể đảm đương được những vị trí trong dàn chiêng khi ai đó vắng mặt. Có lẽ tiếng chiêng đã thấm vào máu thịt của các cô gái từ khi còn nhỏ. Bởi tiếng chiêng có thể thay lời bày tỏ tình cảm trong Lễ thổi tai, đặt tên cho con, hay đơn giản chỉ thông báo một điều mà mình muốn quan tâm, gửi gắm. H’Dạo, H’Rút cũng như nhiều cô gái người Bih ở Buôn Trấp luôn khắc sâu lời của các bà, các mẹ rằng “muốn đánh chiêng Jhô giỏi thì cái tai phải nhạy như tai mèo hoang, đôi tay cần dẻo như loài vượn núi, năng khiếu vẫn chưa đủ mà quan trọng nhất vẫn là sự say mê, biết trân trọng, có niềm tin và cả tấm lòng” với chiêng Jhô. Nhờ đó mà âm thanh của dàn chiêng mẹ ở Buôn Trấp luôn ngân vang sâu lắng đến nao lòng trong những không gian bình dị, gần gũi và cuốn hút người nghe đến lạ thường.
Theo nghiên cứu của Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân, phiên chế của bộ chiêng Jhô ở Buôn Trấp gồm 6 cái, được chia ra thành 3 cặp và cứ 2 cái có cùng một cái tên lần lượt: Amí (mẹ), Ama (cha) và Anak (con) tương ứng với một mô hình gia đình đầy đủ, đoàn tụ. Bộ chiêng này độc đáo ở chỗ, ít khi tham gia vào những dịp nghi lễ diễn ra trong cộng đồng, chỉ diễn tấu trong không gian gia đình bình dị, ấm cúng. Ở Tây Nguyên, ngoài dàn chiêng Jhô này, dàn chiêng nữ cũng độc đáo tương tự, đó là dàn chiêng của những người phụ nữ K’ho ở Bon Đưng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cũng gồm 6 chiếc và được phiên chế thành 3 cặp: cha, mẹ và con cái.
Bài : Phương Bối - ảnh Duy Thương
Hôm nay:
Hôm qua:
Trong tuần:
Tất cả: