Hoạt động câu lạc bộ - thực trạng và bài học kinh nghiệm
Cập nhật lúc: 04/08/2012 3269
Cập nhật lúc: 04/08/2012 3269
Tổ chức hoạt động Câu lạc bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm Văn hoá. Những năm gần đây, hoạt động Câu lạc bộ ngày càng phát triển rộng rãi không chỉ trong hệ thống Trung tâm Văn hóa, Nhà Văn hóa, thậm chí còn được mượn danh “Câu lạc bộ” để kinh doanh điều đó chứng tỏ Câu lạc bộ có vị trí vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Vấn đề là làm thế nào để mở rộng các loại hình hoạt động Câu lạc bộ (đúng nhu cầu, sở thích) và đưa Câu lạc bộ hoạt động đúng quỹ đạo.
Hiện nay, Trung tâm Văn hoá tỉnh có 18 loại hình Câu lạc bộ hoạt động. Tuy chất lượng nội dung, thời gian sinh hoạt của mỗi Câu lạc bộ có khác nhau, nhưng nhìn chung các Câu lạc bộ đã tập hợp công chúng theo sở thích đến với Trung tâm Văn hoá sinh hoạt. Nhiều Câu lạc bộ có sức lôi cuốn mạnh mẽ, sinh hoạt đều kỳ, bổ ích, thiết thực, thu hút đông đảo công chúng đến tham gia như Câu lạc bộ: Thơ Đam San, Sinh Vật cảnh, Kinh tế vườn, Mỹ thuật, Dưỡng sinh, Đàn hát Dân ca, CLB Sắc Màu, CLB Vũ Đoàn Ban Mê Xanh… Nhiều Câu lạc bộ tồn tại trên 20 năm điển hình như Câu lạc bộ Thơ Đam San, thành lập năm 1989; Cứ vào đêm trăng tròn, đến hẹn lại lên các Hội viên Câu lạc bộ Thơ Đam San cùng những người yêu thơ lại có dịp gặp nhau để bình thơ, ngâm thơ, đọc thơ cho nhau nghe. Bên cạnh đó, các Hội viên đã đóng góp hàng ngàn bài thơ đăng trên các tạp chí của Trung ương và địa phương. Với 12 lần sinh hoạt định kỳ/năm, Câu lạc bộ đã tổ chức giới thiệu được nhiều gương mặt tác giả có thơ xuất sắc... Ngoài việc tổ chức sinh hoạt định kỳ, Câu lạc bộ còn tổ chức nhiều cuộc giao lưu văn học ở các huyện như: Krông Pắc, Cư Mgar, Krông Ana, Krông Năng, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường chuyên Nguyễn Du… Phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk tổ chức kỷ niệm Ngày Thơ Việt
Cùng với hoạt động Câu lạc bộ Thơ Đam San, Câu lạc bộ Kinh tế vườn là Câu lạc bộ duy nhất có trên hệ thống Trung tâm Văn hóa toàn quốc. Được thành lập ngày 23/10/1989, Câu lạc bộ đã duy trì sinh hoạt định kỳ vào ngày 24 hàng tháng, mỗi kỳ sinh hoạt có từ 24 đến 40 hội viên. Trong quá trình sinh hoạt, luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình, giúp hội viên tiếp thu những thông tin mới về khoa học kỹ thuật, tạo môi trường học tập, trao đổi kinh nghiệm nuôi trồng, phòng chống dịch bệnh, ứng dụng phát triển mô hình kinh tế vườn vào từng hộ gia đình hội viên.
Qua 23 năm hoạt động, lúc đầu nhiều hội viên đến với Câu lạc bộ còn thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đến nay đã có nhiều gương điển hình, tiêu biểu như: Mô hình cải tạo vườn đồi của ông Lê Đình Chương (xã Hòa thắng), mô hình vườn cà phê và cây ăn trái của ông A Ma Nghé (Ea Tu) thành phố Buôn Ma Thuột… Mỗi năm, các hộ gia đình này thu nhập trên vài trăm triệu đồng. Nhiều hội viên đã ứng dụng thành công kỹ thuật canh tác theo mô hình phát triển kinh tế VAC nâng cao mức thu nhập của gia đình, góp phần tăng sản phẩm cho xã hội.
Câu lạc bộ Sinh Vật cảnh - tiền thân của Câu lạc bộ Kinh tế vườn, thành lập ngày 15/2/2002, đến nay đã tập hợp gần 100 hội viên. Thế mạnh của Câu lạc bộ là các hội viên tham gia đều là những nghệ nhân, phần lớn có nhiều kinh nghiệm, được chia làm 4 tổ: Tổ Cây xanh bon sai, Tổ Đá mỹ thuật, Tổ Cây khô nghệ thuật, Tổ phong lan. Câu lạc bộ tổ chức duy trì sinh hoạt định kỳ một tháng một lần vào ngày 15 hàng tháng, với nhiều chủ đề phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Câu lạc bộ không ngừng nâng cao về nhận thức thẩm mỹ sinh vật cảnh thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, trao đổi thảo luận, bình chọn tác phẩm tiêu biểu (phương pháp trực quan) và qua các dịp giao lưu trưng bày, triển lãm, hội thi trong và ngòai tỉnh như: Festival Huế 2006 (70 tác phẩm đá, 20 tác phẩm gỗ), Festival Hoa Đà lạt 2006 (50 tác phẩm đá, 30 tác phẩm gỗ, 20 tác phẩm Bon sai), Festival Sinh Vật cảnh Thành phố Hồ Chi Minh 2006, 2008 (50 tác phẩm đá, 30 tác phẩm gỗ lũa) Festival cà phê Buôn Ma Thuột 2007 (50 tác phẩm cây xanh, 100 tác phẩm đá, 30 tác phẩm gỗ), Festival cà phê Buôn Ma Thuột 2009 (50 tác phẩm đá, 30 tác phẩm gỗ, năm 2010 (50 tác phẩm đá, 30 tác phẩm gỗ). Bên cạnh đó, Câu lạc bộ còn có gần 30 bộ sưu tập cá nhân, mỗi bộ sưu tập có từ 3 đến 4 bộ môn như: Phong lan, Đá mỹ thuật, Bon sai, cây khô mỹ thuật.
Trên đây là những Câu lạc bộ điểm hình cần nhân rộng ra toàn tỉnh.
Qua điển hình một số Câu lạc bộ ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm để duy trì và phát triển phong trào hoạt động Câu lạc bộ đó là:
- Cần phải xây dựng và tạo môi trường thật tốt để hình thành nên một phong cách sinh hoạt cho các loại hình Câu lạc bộ.
- Muốn thành lập Câu Lạc bộ phải khảo sát nắm tình hình, nhu cầu thực tế, từ nhu cầu đó mới vận động, tổ chức quần chúng tự nguyện tập hợp thành các nhóm và từ các nhóm tập hợp thành Câu lạc bộ.
- Ban chủ nhiệm phải thật sự là lực lượng nòng cốt, là những người có năng lực, trình độ, nhiệt tình và đầy tâm huyết với phong trào, phải có kỹ năng, biết quản lý, điều hành Câu lạc bộ như : biết lập kế hoạch tháng, quý, năm; thiết lập các tài liệu về các lĩnh vực mình phụ trách, nắm vững tư tưởng và hoàn cảnh của từng thành viên, tuyên truyền, vận động để kết nạp thành viên mới; liên hệ chặt chẽ với lành đạo Đảng, chính quyền, người phụ trách, phân công, đôn đốc và giám sát các hoạt động của Câu lạc bộ; chăm lo xây dựng kinh phí, trao đổi kinh nghiệm với các thành viên; tổng kết mô hình hoạt động của Câu lạc bộ theo định kỳ 6 tháng, năm; đề xuất khen thưởng cho các thành viên.
- Phát huy khả năng sáng tạo, tính tự nguyện của các thành viên trong Câu lạc bộ.
- Chọn phương thức sinh hoạt phù hợp, phong phú, tránh tình trạng sinh hoạt theo một loại hình đơn điệu sáo mòn.
- Chủ đề nội dung phải phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, gắn liền với cuộc sống thực tế hàng ngày.
- Hình thức: Tổ chức nói chuyện chuyên đề, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền hoặc sinh hoạt độc lập từng chủ đề của Câu lạc b; tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao và tổ chức tham quan các mô hình mẫu.
- Mở rộng giao lưu học hỏi, rút kinh nghiệm của các Câu lạc bộ khác trong và ngoài tỉnh để nâng cao chất lượng hoạt động.
- Chú trọng đến công tác phát triển hội viên mới, giao chỉ tiêu vận động hội viên mới cho các trưởng nhóm.
- Một điều không thể thiếu được là muốn duy trì và củng cố Câu lạc bộ thì phải có kinh phí. Đó là điều cơ bản để Câu lạc bộ tồn tại và duy trì hoạt động. Muốn vậy phải biết tranh thủ sự hỗ trợ bằng nhiều mặt của cấp uỷ, của chính quyền địa phương; tăng cường liên kết, phối hợp với các ban ngành, đơn vị có hội viên tham gia Câu lạc bộ và vận động sự hỗ trợ của các mạnh thường quân trong Câu lạc bộ.
Từ kinh nghiệm hoạt động của Câu lạc bộ Thơ, Kinh tế vườn, Sinh Vật cảnh các Câu lạc bộ khác có thể tìm ra cho mình một phương thức phù hợp có định hướng và giải pháp hữu hiệu để củng cố và ngày càng đổi mới nội dung hình thức để hoạt động Câu lạc bộ mang lại hiệu quả cao hơn.
Thanh Tĩnh
Hôm nay:
Hôm qua:
Trong tuần:
Tất cả: