“Kin lẩu khẩu mẩu” Lễ hội độc đáo của người Thái
Cập nhật lúc: 23/11/2015 845
Cập nhật lúc: 23/11/2015 845
Đến hẹn lại lên, vào tháng 9 âm lịch hàng năm, khi những cách đồng lúa của bà con dân tộc Thái chín vàng óng ả khắp các bản làng, cũng là lúc bà con buôn Thái , xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) nô nức tổ chức Lễ hội “Kin lẩu khẩu mẩu” (Lễ hội Mừng lúa mới). Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân tộc Thái, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, buôn làng ấm no vui vẻ, vạn vật sinh sôi phát triển. Lễ hội cũng là nơi giao lưu tình cảm của các dân tộc trên địa bàn.
Trước đây, mừng cơm mới là nghi lễ mang tính chất gia đình, rất tốn kém. Hơn 20 năm trước bà con di cư vào quê hương mới, sau vài năm đầu khai thiên lập làng, đời sống kinh tế ổn định, cả làng thống nhất làm lễ chung, các hộ góp lễ tập trung tại nhà cộng đồng của buôn vào trung tuần tháng 9 âm lịch hàng năm. Đây là dịp để các gia đình khoe tài làm rượu cần, cơm lam, thịt nướng… để cộng đồng chung vui. Đời sống ngày càng ấm no, nhờ có sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương Lễ hội mừng lúa mới được tổ chức ngày càng quy mô lớn hơn. Các dân tộc khác như Kinh, Dao, Ê đê, Tày, Nùng, Vân Kiều cùng nhiều đơn vị kết nghĩa cùng về dự lễ hội với bà con.
Đây cũng là dịp để cộng đồng bà con dân tộc Thái ôn lại những phong tục tập quán truyền thống của ông cha ngày xưa để lại, nhằm duy trì và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời quảng bá hình ảnh, vốn sống văn hóa phong phú của dân tộc trong công đồng các dân tộc Việt Nam. Lễ hội mừng lúa mới ở buôn Thái diễn ra trong một ngày, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ có những lễ vật được chuẩn bị rất chu đáo do những người lớn tuổi, có uy tín trong buôn chuẩn bị. Già làng là người tiến hành nghi thức lễ cúng mừng lúa mới, trình lễ vật dâng lên trời đất, tổ tiên, các dòng họ có con cháu vào làm ăn sinh sống tại đây. Tiếp đến là phần hội có nhiều tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái: nghi thức cầu mùa, diễn tấu cồng chiêng mừng lễ hội, múa mừng lúa mới, múa xòe, múa sạp; các trò chơi dân gian: giã gạo, ném còn, tô mlẹ, bóng chuyền. Đặc biệt thu hút du khách là hội ẩm thực với các món ăn truyền thống của dân tộc như: khẩu mẩu (cốm mới), khẩu nua (xôi), khẩu lam (cơm lam), chỉn giáng (thịt bò xông khói), pa bỉnh (cá nướng), canh môn, rượu cần…
Theo truyền thống canh tác nông nghiệp của người Thái trước đây họ thường trồng 1 vụ lúa, ngày nay do biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên dân cư ở đây đã canh tác lúa 2 vụ. Lúa dùng để làm cốm phải là lúa nếp, cũng có rất nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như: Lúa nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp hoa…
Ngày trước lúa được chọn làm cốm thường là lúa nếp nương bởi vì loại lúa này thường giữ được chất ngọt của hạt nếp, mùi thơm và độ dẻo của hạt lúa cũng không bị mất đi và đặc biệt hơn nữa những hạt lúa nếp nương lại rất tròn và mẩy. Ngày nay do nhu cầu sử dụng lúa nếp của người dân có phần hạn chế và diện tích canh tác lúa nương không còn nhiều nên lúa làm cốm là giống lúa nếp thơm. Khi chọn lúa làm cốm người ta không nhất thiết phải lấy lúa của một gia đình nào, trong thời gian chuẩn bị họ tập trung ra cánh đồng của bản tìm ruộng lúa có giống lúa phù hợp với các tiêu chuẩn trên, họ sẽ sử dụng loại lúa trong ruộng đó. Số lượng lấy nhiều hay ít tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng của buổi Lễ.
Từ năm 2013, Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Thái đã trở thành một trong 5 lễ hội chính được tổ chức thường niên của huyện Cư M’gar. Ai đã từng đến dự Lễ hội nơi đây sẽ không thể quên không khí vui tươi, sự tiếp đãi thân thiện của dân làng. Đẹp biết bao hình ảnh những đôi thanh niên nam nữ nắm chặt tay nhau dưới làn nắng ấm
Lễ hội mừng lúa mới là sự kế thừa những thành quả, những giá trị đời sống văn hóa, tinh thần mà cán bộ và nhân dân buôn Thái đã nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện đại.
Bài ảnh: Trung Hải
Hôm nay:
Hôm qua:
Trong tuần:
Tất cả: