Ngày xuân vui hội Lồng tồng
Cập nhật lúc: 19/02/2016 860
Cập nhật lúc: 19/02/2016 860
Hơn 20 năm trước, cộng đồng dân tộc Tày - Nùng ở các tỉnh miền núi phía bắc di cư vào các tỉnh Tây Nguyên lập nghiệp, họ mang theo những nét đẹp, những lễ hội, để vui chơi sau những ngày lao động vất vả, để cảm ơn thiên nhiên, đất trời đã cho họ mùa màng tươi tốt. Như đã thành thông lệ, vào ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm, người dân tộc Tày - Nùng ở xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk và bà con các địa phương lân cận lại nô nức tập trung đến cánh đồng bằng phẳng ở thôn 3, để cùng nhau tổ chức lễ hội Lồng tồng. (Tiếng Tày; Lồng là xuống, tồng là đồng; nghĩa là Xuống đồng). Đối với người Tày - Nùng, đây là lễ hội đầu tiên của một năm mới. Ngày hội được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, thóc về đầy bồ, khoai sẵn đầy hiên, đời sống ấm no vui vẻ. Vì vậy hội Lồng tồng còn có tên gọi khác là hội cầu mưa, hội cầu mùa.
Trước ngày diễn ra lễ hội, ngoài đồng của thôn được dọn dẹp sạch sẽ. Lễ vật không thể thiếu gà trống thiến luộc, thịt lợn quay, xôi bảy màu, bánh chưng, bánh dày, bánh khảo, bánh khẩu si, trứng vịt luộc được nhuộm đủ màu sắc, ngũ quả, gạo, rượu và nước lá chanh. Lễ hội gồm có hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ: Cầu khấn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt được thực hiện do một người cao tuổi, có uy tín trong thôn tiến hành. Tiếp đến là phần hội, đã tạo nên sự rộn ràng, náo nức, gồm có các hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc, ban ngày thi các trò chơi dân gian, ẩm thực các món ăn như: Qua cầu kiều, tung còn, bịt mắt đánh trống, gói bánh tét, giã bánh dày… Người thắng cuộc ở mỗi trò chơi, được thưởng một món quà nhỏ. Đêm đến thi hát then, hát lượn, đàn tính và giao lưu văn nghệ với các dân tộc khác đến tham dự. Những tiết mục ca múa tự biên tự diễn mộc mạc, giản dị được những “diễn viên” không chuyên của các đội thể hiện vọng khắp cánh đồng, làng bản.
Tung còn là một trò chơi đặc trưng nhất của dân tộc Tày - Nùng. Ðể chuẩn bị cho phần thi này, ở giữa đám ruộng lớn được chọn làm địa điểm lễ hội, bà con dựng một cây mai cao từ 20m - 30m làm cột. Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 50cm - 60cm dán giấy hai bên, đề chữ Nhật - Nguyệt tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng. Quả còn được làm bằng vải màu, trong nhồi gạo hoặc ngô, có tua rua nhiều màu sắc. Theo quan niệm của người Tày - Nùng, trong ngày hội có người tung còn trúng vòng tròn làm rách giấy thì năm đó làm ăn mới thuận lợi, mưa thuận gió hòa…
Bài, ảnh: Trung Hải
Hôm nay:
Hôm qua:
Trong tuần:
Tất cả: