Phục dựng Lễ cầu mưa và Lễ kết nghĩa anh em của đồng bào Êđê
Cập nhật lúc: 23/03/2017 651
Cập nhật lúc: 23/03/2017 651
Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017, sáng 11-3, tại buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), Ban tổ chức đã tiến hành phục dựng Lễ cầu mưa và Lễ kết nghĩa anh em của đồng bào Êđê.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đắk Lắk H'Lim Niê tặng cờ lưu niệm cho đơn vị thực hiện nghi lễ
Lễ cầu mưa do 30 nghệ nhân buôn Ayun (huyện Cư M’gar) tái hiện và Lễ kết nghĩa anh em do đoàn nghệ nhân buôn Ayun (xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar) và buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) phối hợp thực hiện.
Lễ cầu mưa (cầu no đủ):
Vào khoảng tháng 3-4 âm lịch hằng năm, đồng bào Êđê tổ chức Lễ cầu mưa với ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Lễ cúng cầu mưa bắt đầu bằng việc đồng bào dựng cây nêu và một chòi Pưk trên rẫy; chòi Pưk có 2 tầng, tầng trên (tầng trời) để thờ ông trời và bà trời, tầng dưới là kho lúa tượng trưng cho sự no đủ với ít lúa đã được đặt bên trong. Dưới chân chòi đặt tượng thần Ác, người xui khiến chim thú vào phá rẫy, làm mất mùa màng khiến dân làng phải sống trong cảnh đói nghèo.
Những lễ vật cúng Yàng và thần linh được đựng trong dụng cụ đan bằng tre, nứa, đặt dưới đất cùng các tượng gỗ tạc hình thú như: trâu, bò, heo, gà… và những tượng hình: chuột, nhím, heo và tổ ong được bà con sắp đặt ở xung quanh rẫy. Trước chòi Pưk, khi âm thanh của dàn chiêng nổi lên, thầy cúng mở đầu nghi thức cúng với lời khấn cầu Yàng trời, Yàng đất, thần mưa đổ nước xuống để người dân có nước trồng tỉa, lúa trổ nhiều bông, chắc hạt, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, đầy kho, mọi gia đình trong buôn được no đủ…
Thầy cúng đang làm lễ
Tiếp theo, thầy cúng cầm bát rượu pha tiết heo vẩy vào các gùi lúa, công cụ lao động và vẩy xuống đất rẫy để mời các thần dùng rượu cùng với dân làng rồi tiếp tục quay về mâm cúng đọc lời khấn. Thầy cúng tiếp tục nâng chén rượu, kính cẩn mời ông trời, bà trời, mời các thúng lúa trong chòi và đi xung quanh rẫy vẩy rượu vào mời các bẫy, dụng cụ đuổi chim tượng trưng.
Tái hiện cảnh chọc lỗ, gieo hạt.
Cuối cùng hai người đàn ông 2 tay cầm gậy chọc lỗ, theo sau là 4 cô gái làm động tác tiến hành nghi thức gieo lúa, tốp thanh niên nam sau cùng cầm khiên, múa kiếm đi vòng quanh cái cột biểu trưng hành động đuổi tà ma, thú rừng phá hoại mùa màng. Cùng lúc các chàng trai mỗi người cầm ống té nước làm mưa ban phước lành cầu mưa chống hạn với tiếng reo hò của dân làng hòa với âm thanh của dàn chiêng. Sau khi thực hiện cầu mưa xong, dân làng trong buôn bắt đầu tỏa đi bắt tổ ong lấy mật, kiểm tra các bẫy đặt quanh rẫy.
Sau khi thực hiện cầu mưa xong, dân làng trong buôn bắt đầu tỏa đi bắt tổ ong lấy mật...
Lễ kết nghĩa anh em:
Để thực hiện nghi lễ kết nghĩa anh em, lễ vật gồm có 1 cây nêu, 5 ché rượu cần, 1 con heo, 1 con gà trống, 3 chiếc vòng, khăn thầy cúng, bộ cồng chiêng, trống, 1 xô nước. Những người tham dự lễ là họ hàng, người thân của hai người kết nghĩa với nhau và dân làng.Theo truyền thống, người được kết nghĩa phải có mặt tại buổi lễ từ khoảng 5 giờ sáng để chủ nhà mổ heo và chuẩn bị buộc ché rượu (khi người được kết nghĩa chưa có mặt thì chủ nhà không được làm bất cứ việc gì). Người lớn tuổi nhất trong dòng họ sẽ đóng vai trò chủ lễ buổi kết nghĩa.
Khi bắt đầu buổi lễ, cồng chiêng tấu lên một hồi, sau đó dừng và chủ lễ bước ra, mời hai người ra trước cây nêu và hỏi: Cả hai người có đồng ý kết nghĩa không? Khi cả hai đồng ý, chủ lễ mời thầy cúng tiến hành nghi thức. Người thân gia đình mang ra 1 con gà còn sống (đã rửa chân sạch sẽ) đưa cho thầy cúng. Sau đó thầy cúng đến bên hai người khẩn báo cho thần linh (tức Yàng). Sau đó thầy cúng dẫn hai người đến bên ché rượu, trao cần rượu, cầm vòng tay đứng gần hai người và khấn: “Ơ…Yàng! Nay dòng họ Niê kết nghĩa với dòng họ M’lô. Thương nhau cho đến chết, uống rượu cần cho đến lạt, đánh cồng chiêng cho đến lúc già làng bảo thôi. Kể từ nay hai người trở thành anh em một nhà, phải thương yêu, bảo ban nhau làm ăn, có việc gì khó phải giúp nhau, không được chia rẽ, có vui cùng hưởng, có họa cùng lo, cùng nhau làm ăn tiến bộ và xây dựng buôn làng no ấm”.
Cúng xong, thầy cúng trao vòng, dặn dò hai người, sau đó hai bên kết nghĩa sẽ được chủ lễ mời uống rượu trước, tiếp đến là mời mẹ của hai bên để tỏ lòng thân thiết.
Thầy cúng trao vòng, dặn dò hai bên kết nghĩa
Sau khi chứng kiến các nghi thức cúng lễ kết nghĩa xong, dân làng uống rượu cần, ăn thịt, cơm nếp và múa hát giao lưu để cùng chúc phúc cho những người được kết nghĩa, cầu mong cho họ luôn đoàn kết, gắn bó bên nhau. Lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Êđê nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, sinh hoạt giữa cộng đồng các dân tộc. Người Êđê trân trọng và giữ gìn qua nhiều thế hệ, việc làm này hoàn toàn tự nguyện, không vụ lợi.
Nghi lễ này mang ý nghĩa tốt đẹp, mong muốn mọi người sống chan hòa, gắn bó với nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn để xây dựng buôn làng ngày càng ấm no.
Hôm nay:
Hôm qua:
Trong tuần:
Tất cả: