HUYỆN KRÔNG BÔNG VỚI CÔNG TÁC BẢO TỒN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG VÀ LỄ HỘI
Cập nhật lúc: 12/08/2014 538
Cập nhật lúc: 12/08/2014 538
Công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số ở huyện Krông Bông trong những năm qua đã có những bước phát triển mới
Tính đến nay toàn huyện có 24 nghệ nhân chỉnh chiêng, 44 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng, 77 nghệ nhân biết đánh chiêng, 66 nghệ nhân sử dụng nhạc cụ tre nứa, 46 nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ, 34 bài chiêng, 64 nghệ nhân biết nói vần, số tên bài cúng 61 bài, số dàn chiêng 77 bộ, 34 lễ hội còn duy trì. Các hoạt động như: Liên hoan dân ca, dân vũ, diễn tấu cồng chiêng, chế tác nhạc cụ, hội diễn nghệ thuật quần chúng được tổ chức thường xuyên. Đây là lực lượng tham gia đắc lực, có hiệu quả trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng và các lễ hội.
Lễ hội văn hóa cồng chiêng xã Cư Pui
Bên cạnh đó từ năm 2001 đến nay được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của Sở văn hóa, Thể thao, Du lịch và UBND huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã mở hơn 24 lớp truyền dạy diễn tấu chiêng đồng, chiêng Kram cho hơn 200 em thiếu niên người đồng bào dân tộc Ê đê từ độ tuổi từ 8 đến 15. Kết quả các các em đã biết đánh từ 2 đến 4 bài chiêng truyền thống đề tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng, các ngày hội văn hóa của địa phương. Một số lễ hội truyền thống liên quan đến văn hóa cồng chiêng, như lễ cúng Thần lúa, lễ cúng bến nước, lể cúng sức khỏe… cũng được huyện quan tâm, chú trọng đầu tư phục dựng, qua đó góp phần giáo dục ý thức cho đồng bào dân tộc bản địa gìn giữ, phát huy các lễ hội truyền thống của dân tộc mình.
Truyền dạy đáng chiêng cho thế hệ trẻ
Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng với sự phát triển của văn hóa mạng đã làm giới trẻ không mặn mà đối với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chổ đang bị mai một. Diễn tấu công chiêng, dân ca, dân vũ ngày một ít đi trong các dịp lễ hội. Tập quán, phương thức sản xuất thay đổi, không gian buôn làng bị thu hẹp làm ảnh hưởng đến không gian lễ hội và không gian văn hóa cồng chiêng. Vì đời sống kinh tế khó khăn, nhiều hộ dân sẵn sàng bán đi những bộ chiêng quí để mua công cụ sản xuất.
Để bảo tồn, phát huy di sản – không gian văn hóa cồng chiêng và các lễ hội, trong thời gian đến, các địa phương trong huyện cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ giá trị của cồng chiêng và các lễ hội, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhằm ngăn chặn nạn chảy máu cồng chiêng, cần có các biện pháp để xử lý nghiêm đối với hành vi trộm cắp cồng chiêng. Vận động nhân dân tham gia thực hiện công tác bảo tồn, phát huy không gian văn hóa văn hóa cồng chiêng và các lễ hội, đặc biệt là các xã có đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ...
Bài, ảnh: Châu Phan
Hôm nay:
Hôm qua:
Trong tuần:
Tất cả: